Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, để triển khai thành công và hiệu quả Quy hoạch điện VIII, vẫn còn nhiều thách thức.
Nhận diện rõ thách thức
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước. Quy hoạch cũng phù hợp xu thế quốc tế về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp…
Còn theo Tiến sỹ Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều mục tiêu quan trọng, đặc biệt là mục tiêu đạt trung hòa phát thải CO2 vào năm 2050. Các vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng công bằng, cơ cấu nguồn điện hợp lý, lưới điện đồng bộ và hiện đại, liên kết lưới điện trong khu vực,… đã được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp ý kiến của các đơn vị, chuyên gia.
Để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 -2030 là rất lớn, khoảng 12 tỷ USD/năm cho nguồn điện và 1,5 tỷ USD/năm cho lưới điện - Tiến sĩ Tạ Đình Thi cho hay.
Quy hoạch điện VIII được đánh giá là có nhiều điểm mới trong phương pháp xây dựng. Đây là quy hoạch động và mở, đảm bảo thích ứng với bối cảnh, lấy khoa học công nghệ làm cơ sở, lấy chi phí tối ưu làm nhân tố quyết định; gắn với lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng; tăng độ phân giải tính toán, phân chia hệ thống điện thành 6 vùng (Quy hoạch điện VII điều chỉnh phân chia thành 3 vùng)…
Đánh giá Quy hoạch điện VIII là bước đột phá trong chuyển dịch năng lượng, song các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, có nhiều vấn đề cần giải quyết như: ngành Điện đang trải qua giai đoạn suy giảm nhanh về khả năng cung cấp nhiên liệu/năng lượng sơ cấp trong nước cho các dự án nguồn điện lớn; việc chuyển dịch cơ cấu nguồn điện theo hướng xanh, sạch, phát triển bền vững còn thiếu các quy định pháp lý cần thiết; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng công nghệ - tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT); vận hành hệ thống điện gặp khó khăn khi hệ thống chưa đủ điều kiện hấp thụ quy mô lớn nguồn NLTT...
Ảnh minh họa |
Giải pháp nào?
Tại Hội thảo “Triển khai Quy hoạch điện VIII - Những thách thức và gợi ý chính sách” được tổ chức vào giữa tháng 8/2023, ông Hoàng Đăng Khoa - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng: Thời gian còn lại để triển khai Quy hoạch điện VIII không nhiều, việc thực hiện các dự án trong Quy hoạch hết sức cấp bách. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn vốn đầu tư; rà soát sửa đổi một số văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển điện lực. Ngoài ra, cần xem xét việc luật hóa giá điện; có khung giá hợp lý, có tính dài hạn để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; nghiên cứu khung pháp lý toàn diện, minh bạch để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi, pin lưu trữ…
Đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, để đạt được quy mô công suất nguồn điện khoảng 150GW vào năm 2030 và 490-573GW vào năm 2050, cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn, lưới điện. Ngoài các nguồn lực từ những tập đoàn kinh tế đầu tàu như EVN, PVN, TKV… cần phát huy mạnh mẽ nguồn lực từ khối tư nhân và tranh thủ sự hỗ trợ từ các tập đoàn quốc tế. Song song đó, để đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thị trường điện Việt Nam, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động thị trường điện. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục trong đầu tư phát triển điện lực, tạo sự tin tưởng, giúp xây dựng chiến lược trong dài hạn của các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, kế hoạch thực hiện Quy hoạch cần được cụ thể hóa, tránh dàn trải và chung chung, phải đưa ra được tiến độ từng năm cho từng loại hình dự án nguồn và lưới điện. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển các nguồn NLTT. Cần sớm xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển điện, cũng như chính sách thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án truyền tải điện. Ngoài ra, cần sớm xây dựng cơ chế phát triển (chính sách, cơ chế giá) đối với các dự án năng lượng tái tạo mới… Riêng điện gió ngoài khơi, cần có các quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, cần quan tâm tới phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành trong việc xây dựng cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi và coi đây là một ngành công nghiệp mới.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch điện VIII: - Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Theo EVN./