(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có nội dung thống nhất, chỉnh lý điều kiện về giấy tờ quyền sử dụng đất đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.
Dự thảo Luật chỉnh lý quy định về điều kiện về giấy tờ về quyền sử dụng theo quy định của Luật Đất đai. |
Trước đó, trong bản dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, quy định về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về quyền sử dụng đất như sau: Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất xây dựng gắn với nhà ở, công trình xây dựng đó. Và chủ đầu tư dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định pháp luật đối với quyền sử dụng đất gắn với nhà ở được đưa vào kinh doanh (khoản 6 Điều 25 dự thảo Luật).
Tuy nhiên, trong quá trình ý kiến, Ủy ban Kinh tế - Quốc hội đã chủ trì chỉnh lý nội dung trên thành khoản 8 Điều 24 mới quy định bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, cụ thể:
Có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (gồm: Quyết định giao đất; Hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đối với diện tích đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng hình thành tương lai đưa vào kinh doanh.
Theo Bộ Xây dựng, phương án chỉnh lý này có thay đổi so với nội dung Chính phủ trình nhưng bảo đảm kế thừa quy định của Luật hiện hành, ổn định chính sách và phù hợp thực tiễn. Và cơ quan chủ trì soạn thạo thống nhất với phương án tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội.
Ngoài điều kiện trên, để đưa vào kinh doanh dự thảo Luật cũng yêu cầu rõ nhà ở, công trình xây dựng đã phải được khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Đồng thời, trong bản dự thảo Luật sau chỉnh lý, tại khoản 4 Điều 24 cũng quy định điều kiện chặt chẽ: “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh về việc nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án bất động sản đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh và trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở hình thành trong tương lai có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp trả lời không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do”.
Như vậy, có thể thấy rằng, ngoài điều kiện đối với dự án, dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương trong việc kiểm tra các điều kiện này.
Ngày 23/10, khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Theo Baoxaydung./